Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang mở rộng

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Việt Nam có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, thời gian nắng trong năm nhiều, lượng mưa lớn. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều đồng bằng phù sa màu mỡ. Điển hình như đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải miền Trung. Vì thế, đất nước ta luôn lấy cây lúa làm cây nông nghiệp chính. Đây cũng là nguồn lương thực chính của dân ta. Ngoài việc cung cấp lương thực cho 100 triệu người dân Việt Nam thì thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang dần mở rộng. Hãy cùng tìm hiểu về những thời cơ và thách thức mà ngành xuất khẩu gạo mang lại nhé. 

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba trên thế giới. Từ đó cho thấy tiềm năng vô hạn của ngành xuất khẩu gạo ở nước ta. 

Xuất khẩu gạo là gì?

Xuất khẩu (hay còn gọi là xuất cảng), là hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài. Đây không phải hành vi bán hàng riêng lẻ mà là một hệ thống có tổ chức nhằm thu lợi nhuận, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và từ đó từng bước nâng cao mức sống của nhân dân (Theo Wikipedia)

Xuất khẩu gạo dựa theo lý thuyết của xuất khẩu, là bán gạo cho nước ngoài thông qua một hệ thống có tổ chức. Đây là một lĩnh vực kì cựu trong ngành xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao cho kinh tế nước ta. 

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Tại sao phải xuất khẩu gạo? 

Xuất khẩu gạo có vai trò quan trọng đối với kinh tế – xã hội nước ta. Sau khi sử dụng để tiêu thụ trong nước, lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 – 6.5 triệu tấn gạo trong một năm. Đây là một số lượng rất lớn, nếu không có biện pháp xuất khẩu gạo một cách hợp lý thì lượng gạo này sẽ bị phung phí. Một số lượng lớn gạo tồn đọng khiến cho kinh tế đất nước rơi vào bế tắc, ngành sản xuất lúa gạo trì trệ. Vì thế, xuất khẩu gạo góp phần thúc đẩy quá trình sản xuất lúa gạo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và thu về một khoản lợi nhuận lớn cho kinh tế đất nước. 

Quy mô thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay

Trung bình mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 26 đến 28 triệu tấn gạo. Lượng gạo này sau khi dùng cho việc tiêu thụ trong nước, số lượng còn lại được xuất khẩu khoảng 6 – 6,5 triệu tấn gạo. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa chính, chiếm đến hơn 50% sản lượng gạo cả nước và 90% lượng gạo xuất khẩu. 

Hàng năm, lượng gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hạt gạo Việt xuất hiện ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó các quốc gia Châu Á là thị trường xuất khẩu gạo chính mà chúng ta hướng đến, nổi bật là Trung Quốc và Philippines. 

Cơ hội và thách thức đối với thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Cơ hội của thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Đối với thị trường xuất khẩu gạo truyền thống của Việt Nam

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 1 năm 2023 tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn. Tiêu biểu là Philippin chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo cả nước, đạt hơn 129 nghìn tấn. 

Đối với thị trường truyền thống như Trung Quốc, kể từ khi đất nước này mở cửa giao thương bình thường trở lại kể từ ngày 8 tháng 1 năm 2023, sản phẩm gạo Việt có nhiều cơ hội hơn để tiến vào thị trường này.

Đối với thị trường xuất khẩu gạo mới đầy tiềm năng của Việt Nam

Bên cạnh đó, những thị trường xuất khẩu gạo khó tính của Việt Nam như Châu Âu, Úc, Hàn Quốc sẽ nới lỏng các tiêu chuẩn để tạo cơ hội cho các doanh nghiệp. Người dân các quốc gia này đang rất hài lòng và ưa chuộng các loại gạo Việt Nam.

Với thị trường Châu Âu, trao đổi với ông Nguyễn Văn Nhật – Tổng giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, theo Hiệp định EVFTA, nước ta được xuất khẩu sang thị trường này 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt, tổng cộng là 80.000 tấn. Đây là cơ hội rất lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu nên nắm bắt cơ hội này và tìm cách gia tăng sản lượng, chất lượng cũng như chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế. 

Nhìn chung, trong quý I và quý II của năm 2023, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều thuận lợi do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực đồng thời chuẩn bị cho thời điểm năm mới. Trên đà phát triển này, năm 2023 hứa hẹn là một năm đầy thành công của ngành xuất khẩu gạo, dự kiến doanh thu tăng khoảng 30% so với năm 2022. 

Thách thức trong thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Bên cạnh những cơ hội mà các thị trường nước ngoài mang lại, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. 

Theo đánh giá mà Bộ Công thương đưa ra, tính đến giữa tháng 2 năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 579.793 tấn gạo, mang lại trị giá 304,8 triệu USD. Đây là một con số ấn tượng, tuy nhiên so với cùng thời điểm này năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đã giảm 10% về số lượng và gần 3% về giá trị. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân dẫn đến việc giá gạo giảm là do nhu cầu tiêu thụ trên thế giới giảm. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho ở trong nước còn khá cao. 

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nhu cầu gạo của nước này chỉ đạt khoảng 54,4 triệu tấn, giảm 4% so với năm trước và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019. 

Trung Quốc từng là thị trường xuất khẩu gạo số 1 của Việt Nam, tuy nhiên việc xuất khẩu gạo sang nước này cũng khá khó khăn mặc dù các chính sách đã được mở rộng hơn rất nhiều. Hiện nay chỉ có 21 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc, rất hạn chế về số lượng. Hơn nữa, hạn ngạch xuất khẩu mà Trung Quốc đưa ra đối với nước ta cũng không cao. Thêm vào đó là chính sách kiểm soát nhập khẩu bằng thuế khiến các doanh nghiệp Việt Nam không mấy hứng thú đối với thị trường xuất khẩu gạo này. 

Những biện pháp nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Đứng trước những cơ hội và thách thức như trên, nhà nước ta phải có những biện pháp nhằm mở rộng và ổn định thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam

Về phía nhà nước – Biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Thứ nhất, cần tiếp tục kiểm tra, rà soát, hoàn thiện các cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý các hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp và điều chỉnh phù hợp với diễn biến tình hình của thị trường. 

Thứ hai, phối hợp giữa các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dưới sự chủ trì của Bộ Công thương để triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các ký kết với thị trường Hàn Quốc, Châu Âu. Đồng thời, Bộ sẽ thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật và thương mại, giúp doanh nghiệp khai thác tốt thị trường. 

Về phía doanh nghiệp – Biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam và thực hiện tốt các hướng dẫn thực hiện FTA, chủ động chuẩn bị nguồn lực, nguồn hàng, xây dựng kế hoạch dài hạn và chỉn chu, bài bản. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc và tuân chủ chặt chẽ các quy định liên quan đến xuất khẩu gạo. Sức cạnh tranh mạnh hay không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, phải nâng cao chất lượng gạo đồng thời tối ưu hóa giá cả, xây dựng và bảo vệ được thương hiệu. Cuối cùng, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị tốt cho tất cả những tình huống xấu nhất có thể xảy ra như các vụ kiện về phòng vệ thương mại. 

Kết luận về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam

Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đang dần mở rộng, tiếp nhận nhiều cơ hội lớn đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những biện pháp và Chính phủ đưa ra, cùng với sự đồng lòng của dân tộc ta, tin rằng chúng ta có thể đưa hạt gạo Việt ngày càng vươn xa hơn và khẳng định vị trí của mình trên thị trường quốc tế.