Gạo Indica hay gạo Japonica ngon hơn?

Gạo Indica

Là người Việt Nam, chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với các loại gạo. Chúng ta sử dụng gạo mỗi ngày. Gạo xuất hiện trong mọi bữa cơm gia đình, mọi bữa tiệc từ nhỏ đến lớn. Vậy, gạo Indica và gạo Japonica là gì? 

Gạo Indica và gạo Japonica là gì?

Người Châu Á thường phân loại gạo theo màu sắc, theo chiều dài và theo tính chất hạt gạo. Theo màu sắc, chúng ta có gạo trắng (hay còn gọi là gạo tẻ), gạo lứt (loại gạo có màu sẫm),… Theo tính chất hạt gạo, chúng ta có gạo tẻ (ít dính, cơm tơi xốp) và gạo nếp (độ dính cao, cơm dẻo mềm, mùi hương đậm hơn). Theo chiều dài ta có gạo hạt dài, gạo hạt ngắn và gạo hạt trung bình. Vậy, Indica và Japonica nằm ở đâu trong các loại gạo đã kể trên?

Gạo Indica là gì?

Gạo Indica thực tế là gạo hạt dài, có độ dính kém hơn gạo Japonica. Gạo hạt dài là loại gạo có chiều dài gấp từ ba đến năm lần chiều rộng. Hạt gạo chứa ít tinh bột nên khi nấu lên có độ dính thấp, cơm tơi xốp dễ ăn. Giống lúa Indica được trồng nhiều ở Việt Nam.

Gạo Indica

Những loại gạo Indica nổi tiếng

Ở vùng có khí hậu nhiệt đới như nước ta, quanh năm nắng nóng, trong bữa cơm gia đình buộc phải có một bát canh lớn. Đây là văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Việt Nam. Từ người lớn đến trẻ nhỏ đều yêu thích cách ăn cơm cùng với canh được nấu từ củ quả hoặc các loại thịt cá. Vì thế, gạo Indica rất được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng vì cơm nấu xong tơi xốp, dễ ăn cùng các món ăn từ món canh đến món mặn. 

Có 2 loại gạo phổ biến và được ưa chuộng nhất thị trường gạo Việt là gạo Basmati và Gạo Jasmine (hay còn gọi là gạo Lài Thơm). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem điều gì tạo nên vị trí vững vàng của hai loại gạo này trong lòng người tiêu dùng nhé. 

Gạo Basmati

Gạo Basmati rất phổ biến trong ẩm thực đất nước Ấn Độ. Chúng xuất hiện trong các món ăn đặc sản ở Ấn Độ và Pakistan như món Biryani và Kheer. Những hạt gạo Basmati đầu tiên được trồng ở chân của dãy núi Himalaya. 

Hạt gạo Basmati dài và mảnh, khi nấu chín thì chiều dài nở mạnh, chiều dài hạt cơm có thể gấp đến ba lần chiều dài hạt gạo. Khi nếm thử, đầu lưỡi chạm đến hạt cơm, ngay lập tức bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt nhẹ, càng nhai càng ngọt. Cái tên Basmati có nghĩa là “hương thơm”. Thật vậy, khi ăn, gạo Basmati mang đến hương thơm nhẹ tựa như hương hạt dẻ, lại giống hương lá dứa và thoang thoảng một chút hương hoa. 

Tuy nhiên, bạn nên sử dụng gạo lứt Basmati để tăng lượng chất xơ và vitamin mà gạo cung cấp cho cơ thể.

Gạo Jasmine

Gạo Lài Thơm cũng là một loại gạo vô cùng phổ biến trong bữa cơm Việt. Hạt gạo Jasmine có độ dài trung bình khoảng 6.8mm. Hạt gạo trắng trong, tuy mảnh nhưng rất cứng cáp, ít bạc bụng. Cơm sau khi nấu xong có vị béo, mùi thơm đặc trưng cùng vị ngọt nhẹ. So với gạo Basmati, gạo Jasmine ngắn và nhẹ hơn. Tuy nhiên chất lượng và độ ngon ngọt của hai loại gạo này lại tương đương nhau. Bởi vậy nên chúng thường được sử dụng thay thế cho nhau. Cơm nấu từ gạo Lài Thơm dễ dàng kết hợp cùng các món mặn, món xào phổ biến ở Việt Nam.

Gạo Indica làm món gì ngon?

Bởi vì đặc tính ít dính, cơm tơi xốp nên gạo Indica được ăn kèm với các món ăn thông thường trong bữa cơm gia đình. Vị ngọt nhẹ trong cơm làm tăng thêm hương vị món ăn. Có thể nói, cơm là linh hồn của ẩm thực Việt. Người ta sử dụng từ “ăn cơm” để chỉ các hành động bổ sung thực phẩm vào cơ thể. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của “hạt cơm” với mỗi người con Việt Nam. 

Ngoài việc được sử dụng để ăn kèm với các món ăn khác, gạo Indica còn được dùng để làm các món cơm rang, cơm chiên. Ngoài ra chúng còn được biến tấu thành các loại thực phẩm khác như bún, phở, miến, bánh tráng,… 

Gạo Japonica là gì?

Đối lập với gạo Indica, gạo Japonica là gạo hạt ngắn, hình dáng tròn, có độ dính cao hơn do có hàm lượng tinh bột nhiều hơn gạo hạt dài. Cơm sau khi nấu nở ít, dính thành từng đám, do đó rất thích hợp để ăn bằng đũa hoặc thậm chí là bằng tay. Gạo Japonica được sử dụng làm nguyên liệu của một số món tráng miệng có vị ngọt, cơm nếp, sushi,..Ở Việt Nam, gạo Japonica được trồng nhiều ở vùng Đồng Tháp và An Giang. 

Gạo Japonica còn được biết đến là loại gạo nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc và được gọi với cái tên gạo Nhật. 

Gạo Japonica làm món gì ngon?

Cơm nấu từ gạo Japonica cực kỳ dẻo, có mùi thơm nồng. Hạt gạo dưới ánh nắng phát ra ánh sáng đẹp mắt, tựa những hạt pha lê nhỏ. Gạo Nhật có hàm lượng khoáng chất ấn tượng, giúp tạo nhiều năng lượng nhờ chuyển hóa tinh bột và đường trong gạo. Từ đó, dưỡng chất trong gạo đi khắp cơ thể, hỗ trợ hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa, làm chắc khỏe xương, điều hòa hoạt động của hệ tim mạch và hệ thần kinh. 

Với đặc tính dẻo mềm, gạo Nhật thích hợp để làm các món ăn như sushi, cơm nắm, cơm trộn, hoặc xay ra thành bột gạo rồi làm thành tokbokki. Những món ăn này đều là những món ăn đặc sản của xứ sở hoa anh đào. Không chỉ phổ biến ở Nhật Bản, giới trẻ việt Nam cũng rất thích những món ăn này. 

Gạo Indica ngon hơn hay gạo Japonica ngon hơn?

Cơm nấu từ gạo Indica tơi xốp, dễ ăn, hạt cơm dài, mảnh khảnh, hương thơm nhẹ nhàng cuốn hút người ăn. Cơm nấu từ gạo Japonica cực kỳ mềm dẻo, hương thơm nồng đậm, kích thích cả vị giác lẫn khứu giác của người thưởng thức. Cả hai loại gạo đều là những loại gạo xuất sắc nhất. Vì thế, rất khó để xác định gạo Indica ngon hơn hay gạo Japonica ngon hơn. Bạn có thể dựa vào sở thích của mình để chọn một trong hai loại gạo cho bữa cơm hàng ngày. Và để có một bát cơm ngon, bạn nên có cho mình một cách nấu cơm chuẩn với hai loại gạo này. 

Cách nấu cơm gạo Indica và gạo Japonica ngon

Nhìn chung, các bước nấu cơm từ gạo Indica và gạo Japonica cơ bản là giống nhau, chỉ khác nhau ở tỷ lệ nước và gạo. Đối với gạo Indica, bạn nên nấu với tỷ lệ 1 phần gạo : 1 phần nước để cơm nở đều, có độ tơi xốp. Đối với gạo Japonica, bạn nên nấu với tỷ lệ 1 phần gạp : 0,8 phần nước để cơm có độ dẻo vừa, không quá nhão. 

Một số lưu ý giúp bạn có một bát cơm ngon ngọt hơn

Có một số lỗi các bạn vẫn thường gặp lúc nấu cơm như là vo gạo quá kỹ, sử dụng nước lạnh để nấu cơm, ngâm gạo quá lâu,… Bạn nên vo sơ gạo, dùng tay khuấy nhẹ, vo gạo khoảng chừng 2 – 3 lần để gạo vừa sạch vừa giữ được chất dinh dưỡng. Không nên sử dụng nước lạnh để nấu cơm hay ngâm gạo quá lâu. Nên sử dụng nước ấm để nấu cơm, như vậy hạt cơm sẽ ngọt và dinh dưỡng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, để tăng độ bóng bẩy cho bát cơm của bạn, có thể thêm vào nửa thìa dầu ăn, hoặc nấu cơm cùng với nước luộc gà. 

Tin rằng thông qua bài viết này, bạn đã phân biệt được gạo Indica và gạo Japonica, qua đó chọn được cho mình một loại gạo phù hợp để phục vụ cho bữa cơm gia đình. Chúc bạn có một bữa cơm ngon miệng!