Gạo giả – Mối lo ngại của người tiêu dùng

Gạo giả

Gạo giả từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối với người tiêu dùng bởi những hạt gạo này nếu  được hấp thụ vào người sẽ gây bất lợi cho sức khỏe. Bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những mẹo hay để phân biệt gạo thật với gạo “nhân tạo”. 

Gạo giả có thực sự xuất hiện trên thị trường?

Gạo là gì?

Trên thế giới, gạo là một trong 5 loại thực phẩm chính bao gồm: gạo, lúa mì, khoai mì, khoai tây, ngô. Gạo là lương thực chính của người dân Việt Nam. Gạo đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và cả trong văn hóa người Việt. Gạo được sử dụng trong mọi bữa ăn, là thành phần quen thuộc với bữa cơm gia đình Việt. 

Tầm quan trọng của hạt gạo

Là nguồn lương thực chính cho đại bộ phận dân số Việt Nam:

Hơn 95% người dân Việt Nam sử dụng gạo mỗi ngày. Số lượng gạo tiêu thụ khoảng 97kg/ người/ năm. Gạo là nguồn lương thực mà không một thực phẩm nào hay công nghệ nào có thể thay thế được. 

Là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp sản xuất rượu bia, bánh kẹo, thậm chí là mỹ phẩm

Không chỉ đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể mà gạo còn là nguyên liệu quan trọng để sản xuất bia, rượu, bánh kẹo và một số loại mỹ phẩm.

Cung cấp nguồn sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm

Các sản phẩm được chế biến từ gạo như bột gạo, cám gạo,… phục vụ cho ngành chăn nuôi ở Việt Nam rất nhiều. Những nguyên liệu này vừa dễ kiếm, lại có giá thành rẻ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện các ngành nghề nước ta

Đối với cơ thể người, gạo có vai trò vô cùng quan trọng

Một số nghiên cứu cho thấy rằng gạo có thể đẩy lùi các bệnh tim mạch, kiểm soát lượng cholesterol trong cơ thể. Sử dụng gạo trong bữa cơm hàng ngày thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn. Một bát cháo trắng cung cấp nhiều protein, chất xơ và cả những chất khoáng như Mg, Na,… giúp bù nước bù khoáng cho cơ thể một cách nhanh chóng. 

Với nền kinh tế nước ta, lúa gạo đóng vai trò chủ chốt, quyết định phần lớn đến cơ cấu kinh tế.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan. Trữ lượng gạo xuất khẩu hàng năm có thể lên đến 5 ngàn tấn. Một bộ phận lớn người dân Việt Nam phụ thuộc vào cây lúa để sinh sống. 

Gạo là linh hồn của ẩm thực Việt Nam

Từ bún, phở, cháo, miến, bánh tráng,… rất nhiều món ăn được biến tấu từ nguyên liệu chính là hạt gạo. Từ lâu, hạt gạo đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam. Nhắc đến gạo, người ta nhớ đến bữa cơm quây quần bên gia đình, vị ngọt của gạo chính là vị ngọt của quê hương. 

Gạo giả được làm ra như thế nào?

Bạn có bao giờ thắc mắc, gạo giả được làm ra như thế nào không? Có nhiều nghiên cứu cho rằng, gạo giả được làm từ nhựa trộn với khoai tây. Dưới tác dụng của nhiệt độ cao khi nấu, hợp chất này càng thêm độc hại. 

Tuy nhiên, chính phủ các quốc gia trong đó có Việt Nam chưa hề xác định các thông tin về gạo giả là thật. Một số người lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng để tung tin đồn sai sự thật, gây thiệt hại cho nền kinh tế gạo nước nhà. 

Theo Vietnamnet: “Khả năng gạo bị làm giả là rất khó. Gạo thông thường chỉ có giá từ vài chục nghìn đồng/kg, trong khi tính tổng chi phí nguyên liệu về công nghệ để làm gạo giả như đã lan truyền thì giá thành thậm chí sẽ đắt hơn.” Thậm chí chưa kể đến việc gạo “nhân tạo” dễ dàng bị phát hiện bởi nếu là nhựa, khi nấu sẽ có mùi rất khó chịu. 

Bởi vậy, trước thông tin gạo giả xuất hiện tràn lan trên thị trường, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho rằng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. 

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn nên tỉnh táo trong việc lựa chọn các loại gạo để phục vụ cho bữa cơm gia đình. Mặc dù rất khó để làm giả nhưng không thể khẳng định không có sự tồn tại của gạo “nhân tạo” trên thị trường. Việc phòng ngừa vẫn là rất cần thiết.

Ăn phải gạo giả sẽ như thế nào?

Nếu thực sự những hạt gạo được làm giả, thì nguyên liệu để làm ra chúng chắc chắn không hề có lợi ích đối với sức khỏe. Nhẹ thì hủy hoại hệ tiêu hóa, nặng thì thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các chuyên gia cho rằng, nếu ăn 3 bát cơm gạo giả, đồng nghĩa với việc bạn đưa vào bụng 1 túi ni-lông. 

Các cách phân biệt gạo giả với gạo thật

Nhận biết bằng cách rang trên lửa lớn

Cho gạo lên chảo hoặc nồi rồi rang với lửa lớn. Gạo thật sẽ có mùi thơm đặc trưng và các hạt gạo vẫn tách rời nhau. Còn gạo giả sẽ vón cục và dính chặt với nhau, có mùi hắc như mùi nhựa cháy

Nhận biết gạo giả bằng cách vo gạo

Bên ngoài hạt gạo có một lớp cám giàu vitamin B1. Đây cũng là nguồn cung cấp vitamin B1 nhiều nhất cho cơ thể. Nước vo gạo thật sẽ có màu trắng đục do lớp cám bị bong ra. Còn nước vo gạo của gạo giả không màu hoặc chỉ có một màu đục rất nhẹ. 

Nhận biết bằng cách ngâm gạo vào nước

Cấu trúc bên trong hạt gạo đặc nên khi ngâm vào nước, hạt gạo sẽ lắng xuống. Ngoài ra, nếu ngâm lâu, hạt gạo sẽ nở ra. Còn hạt gạo giả sẽ nổi lên trên mặt nước, không nở ra. 

Nhận biết gạo giả nhờ vào quan sát

Gạo thật có đến 5% là tấm, do đó, các hạt gạo có kích thước không đều nhau, chiều dài khoảng 5 – 6mm tùy loại gạo. Trong một mớ gạo sẽ có hạt còn nguyên vẹn, hạt bị gãy vụn. Bên ngoài hạt gạo có một lớp cám mỏng nên sờ vào lớp cám sẽ dính vào tay. Nếu bạn phát hiện các hạt gạo đồng đều, trong suốt, không có lớp cám và tất cả các hạt đều nguyên vẹn thì rất có thể đó là gạo “nhân tạo”. 

Nhận biết nhờ vào mùi thơm

Gạo là tinh hoa của trời đất. Thông thường, hạt gạo sẽ có mùi thơm đặc trưng. Nếu bạn không ngửi thấy mùi hoặc ngửi được mùi lạ thì có thể đó là gạo giả, hoặc ít nhất chúng là gạo kém chất lượng. 

Nhận biết gạo giả bằng cách để gạo mốc

Gạo là lương thực rất dễ bị mốc. Nếu bạn bảo quản không đúng cách, gạo sẽ bị mốc rất nhanh và không thể sử dụng được nữa. Đây cũng là một cách để phân biệt gạo thật và gạo giả. Nếu trong điều kiện ẩm thấp, hạt gạo vẫn trắng đều, đẹp mắt, không có dấu hiệu mốc thì đây quả thật là gạo “nhân tạo”.

Nhận biết bằng cách tác động mạnh vào hạt gạo

Gạo rất dễ bị vỡ hoặc gãy vụn. Vậy nên, khi dùng vật nặng tác động mạnh vào hạt gạo, ví dụ như giã gạo, hạt gạo nhanh chóng bị vụn ra. Còn đối với gạo “nhân tạo”, dù bạn có dùng lực mạnh cỡ nào thì hạt gạo vẫn y nguyên, không một chút sứt mẻ. 

Gạo mang đến rất nhiều chất dinh dưỡng cũng như năng lượng cho cơ thể. Gạo là lương thực mà không một thực phẩm nào có thể thay thế được, được sử dụng hàng ngày với số lượng lớn. Tuy chưa có thông tin chính thức về gạo giả, nhưng người tiêu dùng vẫn nên cẩn thận trong quá trình lựa chọn và sử dụng gạo để không vô tình hấp thụ vào người một lượng lớn vi nhựa.