Trong quá trình canh tác, người nông dân thường gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, trong đó có việc cỏ dại mọc làm giảm năng suất cây trồng. Ở các ruộng lúa tại nước ta, vấn đề cỏ mọc dại đã không còn xa lạ. Trong các loại cỏ phổ biến, cỏ gạo là mối đe dọa lớn nhất với mùa vụ. Những thông tin dưới đây có thể sẽ giúp bạn phòng trừ được loại cỏ này một cách triệt để.
Cỏ gạo là gì? Tác hại và cách phòng trừ
Cỏ gạo là gì?
Cỏ gạo, hay còn được gọi là cỏ lồng vực, cỏ kê, thuộc họ Poaceae, có tên khoa học là Echinochloa crus – galli (L) Beauv. Chúng được coi là kẻ thù nguy hiểm số một đối với cây lúa. Nếu không phòng trừ tốt, chúng có thể gây thất thu tới 70% năng suất lúa, thậm chí là mất trắng. Chúng có sức sống cao, bộ rễ khỏe mạnh, khả năng hấp thụ nước và chất đạm tốt hơn nhiều so với cây lúa.
Lồng vực có nguồn gốc từ Châu Âu, Ấn Độ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Cây con mọc sau 4 ngày trong mùa hè và 6 ngày trong mùa đông, sinh hạt bằng hạt nên tốc độ phát tán rất nhanh.
Nhận dạng cỏ lồng vực
Cỏ kê cùng họ với cây lúa, nên khi chưa trổ hoa nhìn rất giống cây lúa. Tuy nhiên để ý kỹ sẽ thấy chúng không có bẹ chìa và có màu nhạt hơn cây lúa. Loài cây này sinh sản bằng hạt. Cây cao khoảng 1 – 2m, thân cứng, chắc khỏe, mọc thành từng bụi nhỏ, lẫn giữa ruộng lúa. Lá hẹp có hình ngọn giáo, có thể dài đến 40cm, độ rộng khoảng 5 – 15mm. Bông cỏ có màu xanh, đỏ tía ở phần ngọn, mỗi bông có từ 5 – 40 gié. Hạt có hình elip, dài khoảng 3 – 4mm, có râu hoặc không có râu.
Điều kiện sinh trưởng của cỏ lồng vực
Cỏ gạo sinh trưởng mạnh ở pH trung tính, đất ẩm. Vì thế nên đây là loại cỏ thường gặp ở ruộng lúa nhất.
Nảy mầm tốt trong điều kiện nước ngập từ 0 đến 2 cm, khó nảy mầm nếu nước ngập từ 5 cm trở lên.
Tác hại của cỏ lồng vực
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa. Nếu không loại bỏ cỏ lồng vực, người nông dân có thể sẽ đối mặt với việc bị mất trắng mùa màng hoặc ít nhất là bị giảm 50% sản lượng lúa gạo.
Cỏ gạo là nơi trú ngụ, tích lũy nhiều loại sâu bệnh phá hoại lúa
Nếu không trừ bỏ hết chúng, hạt cỏ này lẫn vào thóc khi thu hoạch sẽ làm giảm giá trị thương phẩm của gạo sau khi xay.
Hạt cỏ nếu lẫn vào lô giống sẽ gây hại đến cả vụ mùa sau, tốn kém cho công tác phòng trừ
Khả năng chống chịu mạnh nên sinh trưởng vượt trội hơn cây lúa rất nhiều
Là một loại cỏ “phàm ăn”, cạnh tranh về dinh dưỡng, nước và ánh sáng với cây lúa, dễ gây thất thu mùa vụ.
Chúng có khả năng phân nhánh mạnh mẽ, trổ hoa quanh năm, chu kỳ sinh trưởng ngắn. Hạt cỏ chín trước lúa và rụng trở lại ruộng trước khi lúa được thu hoạch. Từ một cây lồng vực ban đầu có thể phát triển thành hàng chục cây lồng vực chỉ trong vài chục ngày ngắn ngủi. Nếu lơ là không phòng trừ tốt, có khả năng “ruộng lồng vực” sẽ thay thế ruộng lúa.
Chúng phát sinh gây hại mạnh nhất trong năm ở vụ lúa hè thu do bị thiếu nước đầu vụ. Trong cùng một ruộng, những chỗ có thế đất cao thường bị cỏ lồng vực gây hại nhiều hơn.

Cách phòng trừ cỏ gạo
Cỏ gạo là mối nguy hại lớn nhất đối với cây lúa. Để có một vụ mùa thành công, người nông dân đã áp dụng rất nhiều biện pháp để loại bỏ yếu tố gây hại này.
Phòng trừ cỏ gạo bằng biện pháp canh tác
- Dọn sạch cỏ trên ruộng và xung quanh bờ trước khi làm đất
- Cày bừa thật kỹ để vùi hạt cỏ xuống tầng đất sâu. Ngoài ra việc cày bừa kỹ còn giúp lớp đất quanh bộ rễ được thông thoáng, tơi xốp, tăng khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của rễ, tạo điều kiện để rễ cây hô hấp hoặc hút nước, chất khoáng dễ dàng hơn.
- Sử dụng giống an toàn, chất lượng, không dùng giống trôi nổi trên thị trường để tránh tình trạng lẫn quá nhiều hạt cỏ kê trong giống. Giống cây lúa chất lượng không có quá 10 hạt cỏ dại / 1 kg hạt giống.
- Sàng lọc thật kỹ hạt giống trước khi ngâm ủ để loại bỏ triệt để hạt cỏ
- Sau khi cây lúa nảy mầm, cấy cây theo hàng để dễ phát hiện và nhổ bỏ cỏ kê
- Chú ý đến vấn đề nước của ruộng lúa. Không để ruộng bị khô hạn, tuy nhiên cũng giữ mực nước hợp lý để khống chế hạt cỏ nảy mầm.
- Nếu sử dụng phân hữu cơ để bón cho ruộng thì phân phải được ủ kỹ nhằm diện hết hạt cỏ
- Chăm sóc kỹ càng, cung cấp vừa đủ nước, bón phân kịp thời để thúc đẩy cây lúa sinh trưởng, phát triển mạnh, phủ kín mặt ruộng, lấn át cỏ ngay từ đầu vụ
- Phân hữu cơ bón cho ruộng lúa phải được ủ kỹ để diệt hết hạt cỏ.
- Tiến hành tỉa dặm, nhổ cỏ sớm, tốt nhất là sau khi cấy khoảng 20 ngày.
- Nếu chưa thể loại bỏ kịp thời cỏ gạo thì hãy cắt bông cỏ trước khi hạt cỏ chín rụng xuống đất.
Ưu điểm của việc loại bỏ cỏ gạo bằng phương pháp canh tác
An toàn cho cả người và ruộng lúa, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong đất
Nhược điểm của việc loại bỏ cỏ gạo bằng phương pháp canh tác
Tốn nhiều thời gian và công sức, đạt hiệu quả tuy nhiên không triệt để.
Phong trừ cỏ gạo bằng biện pháp thuốc bảo vệ thực vật
Sử dụng thuốc diệt có đúng loại
Người nông dân nên sử dụng thuốc diệt cỏ đúng loại. Không nên sử dụng thuốc diệt cỏ có chất hóa học mạnh (loại thuốc này dùng để khai hoang đất) vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa. Nến kết hợp tối ưu các loại thuốc khác nhau để xử lý ruộng lúa có chứa cả cỏ gạo lẫn các loại cỏ dại khác như cỏ đuôi phụng, lúa cỏ,…. Tuy nhiên, việc kết hợp này nên thông qua hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, người có chuyên môn cao.
Sử dụng thuốc diệt cỏ đúng lúc
Lồng vực cũng có các thời kỳ sinh trưởng khác nhau. Việc nắm bắt rõ các thời kỳ này giúp dễ dàng loại bỏ cỏ gây hại. Nên phun thuốc vào thời điểm cỏ vừa bắt đầu sinh trưởng. Thời gian phun thuốc tốt nhất trong ngày là vào sáng sớm hoặc chiều muộn. Nếu phun vào buổi trưa, ánh nắng và gió dễ làm thuốc bay hơi, không những giảm tác dụng của thuốc mà còn gây tốn kém. Tương tự, không phun thuốc khi trời chuẩn bị mưa để tránh thuốc bị rửa trôi.
Sử dụng thuốc diệt cỏ với liều lượng phù hợp
Nếu sử dụng quá liều lượng sẽ gây ảnh hưởng đến cây lúa và hệ sinh thái trong đất, thậm chí là môi trường sống xung quanh. Nếu sử dụng một lượng quá ít thuốc thì sẽ không có tác dụng, dẫn đến quá trình diệt cỏ gạo không có hiệu quả.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật:
- Khi pha thuốc, phun thuốc, người thực hiện phải đeo đầy đủ găng tay, ủng, khẩu trang, kính để đảm bảo an toàn.
- Khi phun, người phun hướng vòi phun vào luống phía bên phải và di chuyển về phía bên trái để tránh đi vào vùng đã phun thuốc
- Tránh phun ngược chiều gió
- Rửa sạch tay sau khi phun thuốc
- Sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc rõ ràng và được bán tại những cơ sở uy tín
Trên đây là một vài thông tin về cỏ gạo và cách phòng trừ cỏ gạo trên ruộng lúa. Hy vọng bài viết này có thể mang đến cho các bạn những thông tin bổ ích cho một mùa vụ bội thu.