Thị trường gạo Việt Nam rất rộng lớn, do nhu cầu sử dụng gạo của người tiêu dùng cao. Cùng với đó là nước ta có khí hậu thuận lợi để cây lúa phát triển. Gạo trở thành hàng hóa phổ biến nhất trên thị trường. Vậy, có bao nhiêu loại gạo? Người ta phân loại gạo như thế nào?
Phân loại gạo như thế nào?
Từ xa xưa, hạt gạo đã xuất hiện trong văn hóa ẩm thực người Việt. Có thể nói, gạo là linh hồn ẩm thực Việt. Hạt gạo sau khi nấu biến thành hạt cơm trắng ngần bóng bẩy, gói trọn tinh túy của đất trời.
Thị trường gạo rất đa dạng và phong phú, vì thế, người ta đã phân loại gạo dựa trên màu sắc, hình dáng và tính chất hạt gạo.
Gạo là gì?
Cây lúa sau khi thu hoạch cho ra hạt thóc. Hạt thóc được mang đi lột bỏ lớp vỏ trấu, trải qua một vài quá trình chế biến cho ra hạt gạo mà chúng ta vẫn thường sử dụng. Hay nói cách khác, gạo là sản phẩm của cây lúa, có hàm lượng tinh bột cao. Gạo là một trong các loại ngũ cốc phổ biến trên thế giới.
Gạo dùng để làm gì?
Gạo có thể được nấu thành cơm, cháo và trực tiếp sử dụng. Hoặc gạo cũng có thể biến tấu thành các món ăn khác như phở, bún, miến,… thông qua sản phẩm trung gian là bột gạo. Gạo cũng có mặt trong các ngành công nghiệp như nấu rượu, bia, sản xuất mỹ phẩm. Không chỉ cung cấp lương thực cho người, gạo cũng là nguồn lương thực cho các loài gia súc, gia cầm, góp phần phát triển nền kinh tế đa dạng ngành nghề.
Công dụng của gạo đối với sức khỏe con người
Gạo có chứa chất xơ và các chất vitamin, giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa. Gạo còn có công lao to lớn trong việc giữ xương chắc khỏe, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh. Một bát cơm có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta hoạt động trong vài giờ đồng hồ. Có thể nói, không một loại thực phẩm nào thay thế được vai trò của gạo đối với sức khỏe cũng như đời sống con người, đặc biệt là người Việt Nam.
Phân loại gạo để làm gì?
Gạo được phân chia thành từng nhóm, những loại gạo nằm trong cùng một nhóm có những đặc tính giống nhau. Với mỗi một mục đích sử dụng khác nhau, sẽ có một hoặc một vài loại gạo phù hợp. Ví dụ như gạo trắng dùng để nấu cơm ăn hàng ngày, gạo nếp dùng để nấu xôi, nấu rượu,… Việc phân loại gạo giúp bạn nhận biết được các đặc tính của gạo, từ đó lựa chọn nhóm gạo hoặc loại gạo phù hợp với mục đích bạn đề ra.
Cách phân loại gạo
Dựa trên các đặc điểm mà hạt gạo có, người ta thường phân loại gạo dựa trên ba đặc tính dễ nhật biết: Chiều dài hạt gạo, màu sắc hạt gạo, tính chất hạt gạo
Phân loại gạo dựa trên chiều dài hạt gạo

Mỗi một giống lúa cho ra một giống gạo có chiều dài đặc trưng. Theo đó, người ta phân thành ba nhóm chiều dài chính
Gạo hạt dài
Hạt gạo có chiều dài gấp nhiều lần chiều rộng, ít nhất là ba đến 5 lần. Nhờ chiều dài đặc biệt này, hạt gạo trông rất mảnh và khá dẹt. Đồng thời, lượng tinh bột trong gạo cũng ít hơn. Cơm sau khi nấu nở mạnh về chiều dài, có mùi thơm và có kết cấu tơi xốp, ít dính hơn.
Gạo hạt ngắn
Là loại gạo có hình dạng hơi tròn, “mập”, chiều dài và chiều rộng tương đương nhau. Loại gạo này có hàm lượng tinh bột khá cao, sau khi nấu cơm có độ dính cao, rất dẻo.
Gạo hạt trung
Ở giữa ngưỡng hạt dài và hạt ngắn là gạo hạt trung, có chiều dài trung bình, dao động khoảng 6 – 7mm. Cơm sau khi nấu cũng có độ dính cao, tuy nhiên không bằng gạo hạt ngắn.
Phân loại gạo dựa trên màu sắc

Màu sắc hạt gạo phụ thuộc vào giống lúa và quá trình chế biến. Người ta phân thành hai nhóm chính theo màu sắc
Gạo lứt
Hạt gạo sau khi bỏ đi lớp trấu bên ngoài, không trải qua quá trình chà xát và đánh bóng, hoặc chỉ chà sơ qua sẽ cho ra gạo lứt. Gạo lứt thường có màu sẫm hơn gạo trắng rất nhiều. Các màu sắc mà gạo lứt có thể có là màu đen, màu đỏ, màu vàng,…
Gạo trắng
Hạt gạo nguyên sơ để trở thành hạt gạo trắng như chúng ta vẫn thường thấy phải trải qua 4 lần chà xát và 4 – 6 lần đánh bóng. Hạt gạo trắng chứa ít chất xơ và vitamin B1 hơn so với gạo lứt. Nhưng đây lại là loại gạo phổ biến nhất trên thị trường vì dễ ăn và có mùi thơm nhẹ, giá thành cũng khá rẻ. Điển hình có các loại gạo như gạo ST25, gạo Thơm Thái, gạo Jasmine,…
Phân loại gạo dựa trên tính chất hạt gạo

Có loại gạo dẻo mềm, có loại gạo khô cứng, vậy nên đặc tính này cũng là một tiêu chí để phân loại gạo dễ dàng hơn. Thông thường có hai loại gạo chính ở Việt Nam
Gạo tẻ
Gạo tẻ tương đương với gạo trắng thông thường chúng ta ăn, nhưng có độ dẻo và độ dính vừa phải. Gạo tẻ thường được sử dụng trong bữa cơm gia đình, ăn kèm với các món mặn, món xào, hay thậm chí là món canh, các loại súp. Gạo tẻ cũng được dùng để nấu cháo hoặc làm cơm rang, cơm chiên thập cẩm,…
Gạo nếp
Gạo nếp thường được “trọng dụng” trong các bàn tiệc truyền thống ở Việt Nam như tiệc giỗ, cưới hỏi ma chay,… Gạo nếp có tính dẻo mạnh, độ dính cao, có thể ăn bằng đũa hoặc thậm chí là bằng tay. Gạo nếp được sử dụng để nấu xôi, bánh chưng, bánh nếp, bánh dày,…
Phân loại gạo ngon và gạo không ngon
Ngoài các cách phân loại gạo thành từng nhóm như trên, người tiêu dùng còn quan tâm đến vấn đề phân biệt gạo ngon và gạo không ngon. Quả thật đây là vấn đề nhức nhối với các bà nội trợ, khi bữa cơm gia đình thiếu đi vị ngon ngọt của bát cơm nóng hổi thì quả là thiếu sót lớn. Vậy nên, sau đây là một vài cách giúp các bạn lựa chọn được các loại gạo ngon, ngọt, tốt cho sức khỏe.
Gạo lứt tốt cho sức khỏe
Gạo lứt, hay gạo nguyên cám đều tốt cho sức khỏe. Các loại gạo này giữ được lớp cám bên ngoài, đồng thời giữ được chất xơ và hàm lượng vitamin đáng kinh ngạc có ở lớp cám này. Ngày càng nhiều người lựa chọn sử dụng gạo lứt thay thế gạo trắng. Vì thế, khi đi mua gạo, bạn có thể cân nhắc thử qua loại gạo không mới nhưng luôn hot này. Tuy nhiên hãy thử từ số lượng nhỏ vì vị của gạo lứt khó ăn hơn so với gạo trắng.
Màu sắc hạt gạo nói lên chất lượng
Màu sắc hạt gạo là một trong những tiêu chí quan trọng mà bạn cần chú ý. Những hạt gạo có màu trắng tự nhiên, không bị bạc bụng, không xỉn màu, là những hạt gạo mới, ngon và có độ ngọt.
Kiểm tra độ ngọt của gạo bằng cách nhai thử
Đưa vài hạt gạo vào miệng nhai thử, nếu bạn thấy có vị ngọt và thơm nhẹ, thì đây đích thị là loại gạo có thể cho ra một nồi cơm ngon.
Quan sát hạt gạo
Không chỉ quan sát màu sắc, chúng ta còn phải quan sát hình dáng hạt gạo để phân loại gạo ngon và không ngon. Bạn nên lựa chọn những đấu gạo ít bị gãy vụn, có màu trắng tự nhiên, không bị mốc hay mối mọt.
Gạo quá quen thuộc và phổ biến đối với người dân Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách phân loại gạo. Qua bài viết nhỏ này, chúng tôi hy vọng có thể cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về các nhóm gạo và cách chọn gạo ngon.